Phân biệt đối xử, kỳ thị vẫn là thách thức để kết thúc bệnh AIDS

29/01/2024 13:41

(Chinhphu.vn) - Sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn tiếp tục là những rào cản cấp bách cần phải vượt qua để cải thiện việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ xã hội cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Phân biệt đối xử, kỳ thị vẫn là thách thức để kết thúc bệnh AIDS- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Các cuộc khảo sát được bắt đầu tiến hành từ năm 2017 đến tháng 3/2023. Tổng cộng có 4.540 người tham gia là những người nhiễm HIV ở Anh, Scotland và xứ Wales. Phần lớn 75% người tham gia là nam giới (bao gồm cả người chuyển giới nam), 24% là phụ nữ (bao gồm cả người chuyển giới nữ). Một nửa số người tham gia có độ tuổi từ 43 đến 60 tuổi. Trong đó, 50% người tham gia là người Anh da trắng, 22% người da đen gốc Phi, 15% người da trắng không phải người Anh, và 4% người châu Á. Trong số đó, 96% sống ở khu vực thành thị, trong đó có 45% sống ở London. Chỉ có 0.7% sống ở Wales và 0.2% ở Scotland.

Theo khảo sát, hầu hết mọi người đều cảm thấy hài lòng với kế hoạch điều trị HIV hiện tại. Vào năm 2022, 54% người dân uống một viên thuốc (so với 36% vào năm 2017) và 2.5% đang sử dụng bốn viên trở lên để điều trị HIV (so với 9.7% vào năm 2017), điều này cho thấy gánh nặng thuốc viên đã giảm đáng kể từ cuộc khảo sát trước. Tỉ lệ tuân thủ điều trị cao trong nhóm này dẫn đến 92% báo cáo có tải lượng virus không thể phát hiện, điều này có nghĩa là họ không thể lây truyền HIV qua đường tình dục.

Hơn 90% người tham gia khảo sát đều có kiến thức về K=K. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu rằng họ có tin vào K=K là đúng hay không, thì có 73% nam giới đồng tính và lưỡng tính, 73% người từ 18 đến 34 tuổi, 56% nam giới dị tính, 53% người châu Phi và 51% phụ nữ trả lời rằng họ tin vào điều đó.

Kết quả cũng cho thấy, 3 trong số 5 người nói rằng việc biết về K=K làm giảm sự kỳ thị với họ, nhưng điều này đúng hơn đối với cộng đồng đồng tính nam và lưỡng tính so với nam giới hoặc phụ nữ dị tính. Đồng thời, chỉ một nửa số người tiết lộ tình trạng bệnh hiện tại của họ cho bạn tình. Nhìn chung, chỉ có 13% số người dám chia sẻ tình trạng bệnh của họ với người thân trong khi 0% người chỉ thông báo với nhân viên y tế. Những người đã chia sẻ tình trạng của họ với người khác thường tiếp xúc nhiều hơn với các dịch vụ hỗ trợ về HIV.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy, những người nhiễm HIV cho biết họ đã sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản (81%), nha sĩ (54%), dịch vụ sức khỏe sinh sản (48%) và phòng cấp cứu (22%) trong năm qua. Việc sử dụng những dịch vụ này ít thay đổi so với kết quả từ cuộc khảo sát trước đó. Đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, mức độ hài lòng của những người nhiễm HIV cao hơn so với dân số chung. Đa số (98%) đã đăng ký với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản và 90% đã chia sẻ tình trạng của họ.

Những người tham gia khảo sát cũng được hỏi về nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế trong năm trước đó. Cứ 4 người thì có 1 người có ít nhất một nhu cầu liên quan đến HIV không được đáp ứng. Gần 2 trong 5 người có ít nhất một nhu cầu chưa được đáp ứng trong các lĩnh vực sức khỏe và lối sống và 1/3 người có ít nhất một nhu cầu phúc lợi xã hội không được đáp ứng. Những nhu cầu không được đáp ứng này bao gồm hỗ trợ từ sức khỏe tâm thần, kiểm soát cân nặng và tư vấn về tình dục. Một bệnh nhân người Anh ngoài 30 tuổi chia sẻ: "Tôi không biết phải tìm đến ai để có được sự giúp đỡ, cảm thấy thật xấu hổ và cô đơn".

Khi được hỏi đánh giá mức độ hài lòng với cuộc sống trên thang điểm từ 0 đến 10, trong đó 0 là "không hài lòng chút nào" và 10 là "hoàn toàn hài lòng", điểm trung bình là 7.3 (so với 7.5 trong dân số chung).

Điểm này không thay đổi kể từ cuộc khảo sát trước đó. Mặc dù mức độ hài lòng tăng theo tuổi tác và cao hơn ở người da đen và phụ nữ, chúng nói chung tương tự ở các nhóm dân số khác, ngoại trừ người đa dạng giới tính và người chuyển giới có điểm thấp nhất (5.7 trên 10).

Khi so sánh với dân số tổng quát, những người nhiễm HIV có kết quả về chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe tệ hơn, mặc dù không có nhiều sự khác biệt trong điểm số giữa kết quả cuộc khảo sát cuối cùng so với năm nay, ngoại trừ sự tăng nhỏ về đau đớn và bất tiện (từ 46% lên 49%). Tuy nhiên, nhiều người trải qua các tình trạng sức khỏe tâm thần mà không tìm kiếm hoặc tiếp cận được sự giúp đỡ hoặc điều trị thích hợp. Tổng cộng, 22% người sống với HIV báo cáo có triệu chứng của lo âu hoặc trầm cảm vào thời điểm khảo sát, nhưng chỉ có một nửa trong số họ đã được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần.

Trong số những người được chẩn đoán, 30% đã nhận được điều trị cho các triệu chứng của họ trong vòng 3 tháng qua. Tuy nhiên, 21% người có triệu chứng hiện tại chưa từng được chẩn đoán hoặc tiếp nhận điều trị. Cứ 10 người nhiễm HIV thì có 1 người đã sử dụng dịch vụ hỗ trợ HIV. Tỉ lệ người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số được tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cao hơn (13% người châu Phi và 11% các dân tộc thiểu số khác) so với người Anh da trắng (9%).

Bên cạnh đó, gần một nửa (45%) cảm thấy xấu hổ về tình trạng nhiễm HIV của mình; tỉ lệ này cao hơn ở những người trẻ tuổi (54%), người trưởng thành dị tính (48%) và những người đa dạng giới tính (48%). Những người tham gia cũng chia sẻ những cảm nhận của họ về sự bị kỳ thị.

Nhìn chung, 4% số người được hỏi cho biết họ bị bạo hành bằng lời nói bởi tình trạng nhiễm HIV và 3% cho biết họ cảm thấy bị loại khỏi các hoạt động trong gia đình, con số này tăng lên 15% đối với người chuyển giới, người không thuộc giới tính nhị phân và những người đa dạng giới tính khác.

Khi được hỏi về các khía cạnh khác của chất lượng cuộc sống, một nửa số người nhiễm HIV cho biết họ có đủ tiền để trang trải các nhu cầu cơ bản, nhưng tỉ lệ này giảm xuống còn 26% ở những người châu Phi.

Mặc dù mức độ hài lòng với cuộc sống vẫn ở mức cao trong số người nhiễm HIV ở Anh, nhưng những kết quả trên đã cho thấy khoảng cách trong nhu cầu chăm sóc sức khỏe giữa nhóm người trẻ tuổi, phụ nữ, những người chuyển giới và đa dạng giới tính. Đồng thời, kự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người nhiễm HIV vẫn tiếp tục là những rào cản để xóa bỏ dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Thùy Chi

Theo Aidsmap/ Positive Voices

Top