Quản lý viêm gan B cấp tính ở người nhiễm HIV

02/11/2023 14:40

(Chinhphu.vn) - Khi mắc viêm gan B cấp tính ở người nhiễm HIV thì nguy cơ tiến triển thành viêm gan B mạn tính cao hơn rất nhiều. Nồng độ virus viêm gan B trong máu cao và tiến triển nhanh đến xơ gan.

Quản lý viêm gan B cấp tính ở người nhiễm HIV - Ảnh 1.

Virus viêm gan B (HBV) thường gặp ở người nhiễm HIV là do cả hai virus đều lây truyền chủ yếu qua đường máu và đường tình dục. Ảnh: Biomedic

Tuy nhiên, khi bệnh nhân HIV phòng tránh bệnh và quản lý tốt viêm gan B sẽ làm giảm được nguy cơ trên. PGS.TS. Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch hội Gan mật Việt Nam - nguyên Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đường lây truyền HIV và virus viêm gan B khá giống nhau, đó là qua đường mẹ truyền sang con, đường máu và đường tình dục.

Virus viêm gan B (HBV) thường gặp ở người nhiễm HIV là do cả hai virus đều lây truyền chủ yếu qua đường máu và đường tình dục. Thậm chí chỉ với các hoạt động như xăm mắt xăm môi, cạo râu, dùng chung kìm cắt móng tay/chân… là cũng có nguy cơ lây nhiễm 2 loại virus nêu trên.

Ở các vùng có tỉ lệ lưu hành HBV thấp, khoảng 5-7% người có HIV dương tính bị đồng nhiễm HBV; trong khi con số này là 10-20% ở các vùng có tỉ lệ lưu hành HBV cao.

Đối với trường hợp quan hệ tình dục đồng giới nam, tỉ lệ lưu hành đồng nhiễm virus cao hơn 9-17% so với những người quan hệ tình dục khác giới.

Nếu người bệnh nhiễm HIV sẽ ảnh hưởng bất lợi đến tất cả các giai đoạn nhiễm HBV. Sau nhiễm HBV cấp tính, những người nhiễm HIV có nhiều khả năng tiến triển thành nhiễm HBV mạn tính hơn so với làm sạch virus. Hơn nữa, đồng nhiễm HIV và HBV sẽ có nguy cơ biến chứng cao và rất khó điều trị.

Theo các nghiên cứu, những bệnh nhân HIV dương tính có bằng chứng về nhiễm HBV trước đây đã khỏi, mặc dù không cho thấy có nguy cơ bị bệnh gan tiến triển, nhưng có nguy cơ tái hoạt động của HBV khi số lượng tế bào CD4 giảm.

Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, tỉ lệ ung thư biểu mô tế bào gan cao hơn so với mức trung bình ở những bệnh nhân đồng nhiễm HBV hoặc HCV có HIV dương tính, đang điều trị kháng retrovirus hoạt tính cao (HAART). Vì vậy, những người đồng nhiễm HIV và HBV có nhiều khả năng tử vong hơn do các nguyên nhân liên quan đến gan so với những người nhiễm HBV đơn độc.

Phòng ngừa và quản lý viêm gan B mạn tính ở người nhiễm HIV

Virus viêm gan B (HBV) là những nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh gan mạn tính. Đặc biệt, những người sống chung với HIV có tiêm chích ma tuý, nam quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới nữ và phụ nữ mại dâm... là những người có nguy cơ nhiễm cả viêm gan virus và HIV cao nhất ở Việt Nam.

Người bệnh không tự ý uống các loại thuốc, kể cả thuốc từ thảo dược. Ngoài ra còn cần xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng dinh dưỡng, tránh thừa cân, tập thể dục hàng ngày, nghỉ ngơi hợp lý, bỏ hoặc giảm thuốc lá; cần quyết tâm bỏ rượu.

Nam giới có quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ đồng nhiễm viêm gan virus B và C, giang mai, bệnh lây qua quan hệ tình dục... cao hơn so với các đối tượng khác trong cộng đồng. Bệnh lây qua quan hệ tình dục có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV và làm diễn tiến bệnh nặng hơn, ngược lại nhiễm HIV làm diễn tiến bệnh lây qua quan hệ tình dục xấu hơn, trong đó viêm gan B và viêm gan C thường dẫn đến xơ hóa và xơ gan nhanh.  

Để quản lý viêm gan B mạn tính ở người nhiễm HIV, PGS.TS. Trịnh Thị Ngọc cho biết, mục tiêu của trị liệu kháng virus ở bệnh nhân đồng nhiễm HIV/HBV là ức chế sự sao chép của HBV để ngăn chặn sự phát triển bệnh gan giai đoạn cuối.

Chế độ điều trị thuốc phải cân nhắc rất kỹ và phức tạp, bởi kể cả những thuốc có hiệu quả chống lại cả HIV và HBV đều có thể thúc đẩy sự kháng thuốc, nếu một trong hai virus bị ức chế không đầy đủ. Do đó quá trình điều trị bệnh nhân cần được kiểm tra, đánh giá định kỳ một cách rất chặt chẽ. Điều quan trọng là phải theo dõi cả nhiễm HIV và HBV trong quá trình điều trị nên cần theo dõi mỗi 3 tháng/lần để phát hiện sự xuất hiện của virus kháng thuốc.

Những bệnh nhân có HbeAg dương tính cần được theo dõi mỗi 6 tháng/lần về sự mất HbeAg và sự chuyển đổi huyết thanh sang kháng thể kháng HBe. Những bệnh nhân không đáp ứng với các tiêu chuẩn cho điều trị HIV và những người có tải lượng HBV thấp không có viêm hoặc viêm tối thiểu và không có xơ hóa khi sinh thiết thì không cần điều trị. Tuy nhiên, vẫn cần được theo dõi về nồng độ HBV DNA và ALT mỗi 6 tháng.

Đặc biệt, để quản lý tốt viêm gan B ở người nhiễm HIV, việc chẩn đoán sớm nhiễm HBV là rất quan trọng. Chẩn đoán nhiễm HBV ở bệnh nhân nhiễm HIV tương tự như đối với người không nhiễm HIV. Cần tiến hành sàng lọc tất cả bệnh nhân có nguy cơ cao, thực hiện xét nghiệm tìm HBsAg, kháng thể kháng HBs và kháng thể kháng HBc. 

Chủng ngừa HBV tiêu chuẩn được khuyến cáo đối với những người âm tính đối với HBsAg và kháng thể kháng HBs. Nhưng hiệu giá kháng thể đầy đủ chỉ đạt được ở 17-56% bệnh nhân nhiễm HIV, vì vậy vẫn cần xét nghiệm định kỳ ở những bệnh nhân tiếp tục có hành vi nguy cơ cao nhiễm bệnh.

Có đến 90% người bị viêm gan B không biết về tình trạng bệnh của mình. Bệnh rất dễ lây lan, khả năng lây nhiễm của virus viêm gan B cao gấp 50-100 lần so với HIV. Chính tốc độ lây nhiễm nhanh chóng và diễn biến thầm lặng khiến không ít người chủ quan và để lại hậu quả khôn lường, tuy nhiên, nếu nhận thức đúng đắn về bệnh và tuân thủ điều trị, kiểm tra định kỳ thì việc sống chung với bệnh trở nên nhẹ nhàng hơn.

Thùy Chi

Top