Quảng Ninh: Nhiều chính sách hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy

03/12/2020 16:58

Trước thực trạng tệ nạn ma tuý diễn biến phức tạp, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

 Các học viên của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh tham gia hoạt động tăng gia sản xuất tại Cơ sở

Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý người sau cai nghiện, giai đoạn 2016-2020, Quảng Ninh đã ban hành kịp thời nhiều chính sách, từng bước tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nâng cao chất lượng công tác cai nghiện ma túy.

Theo đó, UBND Tỉnh đã ban hành Quyết định về Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy đối với người bị xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính bắt buộc đưa vào Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh. Từ khi có quy chế phối hợp, các ngành chức năng đã chủ động phối hợp, khâu lập hồ sơ cai nghiện ma túy bắt buộc được rút ngắn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xét duyệt so với trước đây.

Đặc biệt, từ khi Chính phủ ban hành Quyết định thực hiện đổi mới công tác cai nghiện ma túy, Sở LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND Tỉnh ban hành Kế hoạch về thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh, trong đó tập trung tuyên truyền thay đổi quan điểm, coi người nghiện ma túy là người bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ; đa dạng hóa hình thức cai nghiện, tập trung mô hình cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và ở Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh.

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên và duy nhất trên toàn quốc trong giai đoạn 2016-2020 có 2 quyết sách quan trọng về cơ chế chính sách hỗ trợ người cai nghiện có hộ khẩu Quảng Ninh. Đó là Nghị quyết số 206 của HĐND về chính sách hỗ trợ cho người tự nguyện chữa trị, cai nghiện ma túy tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh và Nghị quyết số 144 của HĐND quy định chính sách thực hiện cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Theo đó, người tự nguyện cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh đủ 6 tháng trở lên sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ tiền ăn bằng 1,0 mức lương cơ sở/người/tháng cùng các chi phí đồ dùng, sinh hoạt, hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao vui chơi giải trí khác và hỗ trợ học nghề nếu chưa được học và chưa có nghề theo các mức Nhà nước quy định…

5 năm qua, toàn tỉnh đã tiếp nhận, điều trị cho gần 3.200 lượt người nghiện ma túy. Riêng năm 2019, số người nghiện tự nguyện cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, tăng 122% so với cùng thời điểm 2018. Ngoài hỗ trợ cho các đối tượng là những người cai nghiện ma túy, xuất phát từ yêu cầu thực tế, để động viên cán bộ làm việc trong môi trường phức tạp, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách phụ cấp đặc thù cho cán bộ làm công tác cai nghiện.

Đồng thời, Cơ sở cai nghiện cũng được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, giúp người cai nghiện tại Cơ sở được kết hợp trị liệu thông qua hình thức lao động, tăng gia sản xuất, học nghề, liên kết bao tiêu sản phẩm hàng hóa, tạo thu nhập cho học viên, cải thiện bữa ăn, sinh hoạt trong thời gian cai nghiện tập trung.

Không chỉ chú trọng quản lý cai nghiện tập trung, công tác cai nghiện tại cộng đồng cũng được quan tâm. Quảng Ninh duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động 25 Đội công tác xã hội tình nguyện, 10 CLB hỗ trợ người sau cai nghiện và 6 điểm tư vấn, hỗ trợ người nghiện ma túy tại cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn.

Để tăng cường các hoạt động quản lý, hỗ trợ người nghiện ma túy được điều trị giảm hại, tỉnh triển khai thí điểm cai nghiện ma túy bằng thuốc đông y Cedemex, hiện có gần 50 người đang được cai nghiện bằng phương pháp này. Đồng thời, từ năm 2012, toàn tỉnh có 5 cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Hiện, đang điều trị cho trên 1.000 người nghiện ma túy trong tỉnh.

Với các giải pháp trên, Quảng Ninh đang nỗ lực xóa dần những “khoảng tối” trong đời sống xã hội, góp phần ổn định và giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Top