Quyết tâm làm lại cuộc đời sau 10 năm sa lầy vào ma túy

27/06/2023 16:52

(Chinhphu.vn) - Với ý chí quyết tâm, lấy động lực từ gia đình, anh Mai Thế Bắc - một công nhân tại Thanh Hóa đã cai nghiện thành công, tìm được việc làm và có thu nhập ổn định.

Quyết tâm làm lại cuộc đời sau 10 năm sa lầy vào ma túy  - Ảnh 1.

Anh Mai Thế Bắc chia sẻ tại tọa đàm - Ảnh: VGP/HG

Chia sẻ tại tọa đàm "Chủ động ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa để bảo vệ công nhân lao động" do Tổng liên đoàn lao động tổ chức, anh Mai Thế Bắc (SN 1978, ở Nga Sơn, Thanh Hóa), hiện là công nhân Công ty TNHH sản phẩm nhựa Hing Lung cho biết, anh từng có thời gian trượt dài khi "dính" vào ma túy.

Trước đây, khi làm thợ xây, sông xa nhà, bị bạn bè rủ rê "hút đi cho khoẻ", anh Bắc sa vào nghiện ngập. Vốn là người chịu thương, chịu khó, nhưng khi nghiện ma túy, anh Bắc trở thành con người khác, bê tha, lười lao động, trong nhà có gì đáng giá đem bán hết để lấy tiền mua ma túy sử dụng. Vợ con, người thân đều xa lánh anh.

10 năm nghiện ma tuý, nhiều lúc anh Bắc chán nản, nghĩ đến cái chết. Khi tỉnh táo, anh thấy nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo còn mong sống từng ngày. Nhìn mẹ già 90 tuổi "gần đất, xa trời" vẫn đau đáu vì con, vợ con anh cũng chán nản nên anh càng quyết tâm vượt lên tất cả để cai nghiện ma túy.

"Được các cán bộ công an huyện động viên, nếu ở nhà tự cai nghiện được thì không phải đi cai nghiện bắt buộc. Tôi bảo vợ khóa trái cửa để tôi nằm trong nhà tự cai nghiện. Quá trình đó, tôi phải đấu tranh rất nhiều. Người nghiện vốn sợ nước. Có những lúc vật vã, tôi đi ngày tắm đến 5-6 lần để vượt qua cơn nghiện, tắm xong lại trở lại bình thường", anh Bắc chia sẻ.

Sau khi cai nghiện thành công, anh Bắc tiếp tục quay trở lại hòa nhập vào cuộc sống. Năm 2022, sau tai nạn bị gãy chân, anh quyết định không đi làm thợ xây nữa và nộp hồ sơ xin vào một công ty tại địa phương làm việc. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của công đoàn công ty, anh đã có công việc ổn định, cho thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng.

Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, vượt qua mặc cảm, tự ti vì có quá khứ sai lầm, người đàn ông này trở thành công nhân lành nghề và tình nguyện gia nhập tổ chức công đoàn, hăng hái tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do công đoàn tổ chức.

Chị Đặng Thị Hiền, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sản phẩm nhựa Hing Lung cho biết, lãnh đạo và công đoàn công ty luôn cố gắng động viên, an ủi để anh khắc phục tâm lý mặc cảm, tự ti. Trong quá trình làm việc, anh Bắc luôn hoàn thành nhiệm vụ, tham gia đầy đủ các phong trào của công ty.

Đại úy Trần Minh Hải, Đội Cảnh sát điều tra về kinh tế - ma túy, Công an huyện Nga Sơn cho biết, khi nắm được việc anh Bắc có nhu cầu, nguyện vọng đăng ký xin đi làm, công an huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương, công ty hỗ trợ, tạo điều kiện để tiếp nhận anh đi làm. Trong quá trình anh Bắc đi làm tại công ty, công an cũng thường xuyên trao đổi với lãnh đạo, công đoàn công ty để thăm hỏi, động viên, khích lệ anh tiếp cận nhanh, làm quen với công việc.

Đến giờ, anh Bắc vẫn thấy nuối tiếc bởi tuổi trẻ lầm lạc của mình. "Tôi nghĩ nếu mình không nghiện ngập, mẹ tôi không phải suy nghĩ nhiều về chuyện này thì mẹ có thể sống thêm một vài năm nữa. Bây giờ đã bỏ được ma túy rồi nhưng có còn mẹ đâu mà gọi, chỉ có ảnh thôi", anh Bắc nghẹn ngào.

Trở về nhà sau những ca làm việc, anh Bắc lại giúp đỡ vợ con những công việc gia đình. Đoạn tuyệt ma túy, anh tăng cân, vun vén hơn cho cuộc sống gia đình.

"Từ khi cai được ma tuý, tôi cảm thấy yêu cuộc sống hơn, với gia đình, anh em thì thoải mái hơn, không bị lấn cấn gì nữa. Tôi có lời khuyên với mọi người: Đừng dính vào ma tuý. Nếu ai đã trót dính vào ma tuý thì phải từ giã ma tuý thì mới có thể có gia đình hạnh phúc, xã hội bình an", anh Bắc nói.

Theo thống kê, hiện toàn quốc có 183.783 người nghiện ma túy; 47.650 người sử dụng trái phép chất ma túy; 17.210 người bị quản lý sau cai nghiện. Đây được xác định là "nguồn cầu" tiêu thụ ma túy rất lớn.

Cũng theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, hiện nay công nhân lao động tại các khu công nghiệp đang là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị tội phạm ma túy tấn công, từ hành vi sử dụng trái phép đến hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy.

Đa số công nhân lao động đều từ khu vực nông thôn, trong đó nhiều người từ các tỉnh miền núi đến các thành phố, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, cơ sở công nghiệp để làm việc, họ thiếu nhiều thông tin về tội phạm ma túy, về tác hại và nguy cơ lệ thuộc vào ma túy.

Phần lớn các công nhân, với họ, chỉ đến nhà máy rồi lại về nhà trọ, không có nhiều cơ hội hưởng thụ các giá trị văn hóa, vui chơi giải trí. Sống xa gia đình, một bộ phận thiếu bản lĩnh, công việc nhàm chán, căng thẳng, thu nhập thấp không đảm bảo đời sống, nên công nhân dễ nảy sinh tâm lý buồn chán, cần được giải tỏa và dễ nảy sinh tâm lý "cứ chơi đi cho đỡ buồn". Đây chính là đặc điểm mà tội phạm ma túy lợi dụng để lôi kéo, dụ dỗ công nhân lao động

Tổ chức Công đoàn Việt Nam với chức năng, nhiệm vụ là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đã sớm nhận ra nguy cơ này. Từ đó, rất nhiều chỉ đạo kịp thời, cụ thể từ Tổng Liên đoàn tới các cấp công đoàn cả nước đã mang lại hiệu quả trong nhiệm vụ bảo vệ công nhân lao động trước tệ nạn ma túy.

Hoàng Giang

Top