Tăng cường tiếp cận thông tin và chăm sóc HIV cho nhóm khó tiếp cận

09/05/2023 17:19

(Chinhphu.vn) - Quảng Nam đang đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người nhiễm HIV mới và tử vong liên quan bệnh AIDS, góp phần chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế xã hội.

Tăng cường tiếp cận thông tin và chăm sóc HIV cho nhóm khó tiếp cận  - Ảnh 1.

Bàn truyền thông tuyên truyền phòng chống HIV, nâng cao kiến thức cho người dân. Ảnh: Thùy Chi

Các hoạt động hướng đến các nhóm chỉ tiêu: Nhóm chỉ tiêu tác động - giảm tỉ lệ ca nhiễm mới, giảm tỉ lệ ca nhiễm từ mẹ sang con, giảm tỉ lệ người tử vong liên quan đến HIV/AIDS; nhóm chỉ tiêu về dự phòng - tạo điều kiện cho người mắc HIV có nguy cơ tử vong cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm, người nghiện các dạng chất thuốc phiện được điều trị bằng thuốc thay thế, tỉ lệ người MSM được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc (PrEP), nâng cao nhận thức của người dân về HIV/AIDS, không phân biệt kỳ thị với những người nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, tập trung nhóm chỉ tiêu về xét nghiệm - nâng cao tỉ lệ người nhiễm HIV hiểu rõ về tình trạng của mình và tăng tỉ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được xét nghiệm; nhóm chỉ tiêu về điều trị - hỗ trợ người nhiễm HIV biết tình trạng HIV được điều trị ARV, tăng tỉ lệ bệnh nhân đồng nhiễm HIV/Lao được điều trị đồng thời cả ARV và Lao, cải thiện tỉ lệ người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được điều trị đồng thời thuốc ARV và điều trị viêm gan C; nhóm chỉ tiêu hệ thống y tế - đảm bảo tài chính thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, phấn đấu 100% người nhiễm HIV tham gia Bảo hiểm Y tế, phấn đấu 100% người nhiễm HIV tham gia Bảo hiểm Y tế, 100% các địa phương có hệ thống thu thập, theo dõi số liệu và đánh giá các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu trên, ngành y tế tỉnh đưa ra 10 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp về chính trị và xã hội; nhóm các giải pháp về pháp luật, chế độ chính sách; nhóm giải pháp về dự phòng lây nhiễm HIV; nhóm giải pháp về tư vấn xét nghiệm HIV; nhóm giải pháp về điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV; nhóm giải pháp về giám sát dịch HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá và nghiên cứu khoa học; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; nhóm giải pháp về bảo đảm tài chính; nhóm giải pháp về nguồn nhân lực; nhóm giải pháp về cung ứng.

Bên cạnh việc thực hiện các hoạt động trên, ngành y tế tỉnh tăng cường thực hiện các dự án nhằm hỗ trợ, tăng cường tiếp cận thông, chăm sóc cho người nhóm HIV/AIDS.

Điển hình mới đây Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam, vừa phối hợp với Tổ chức Vietnam Health Improvement Projects (VNHIP) tổng kết dự án "Tăng cường tiếp cận thông tin và chăm sóc HIV cho nhóm khó tiếp cận và nhóm có nguy cơ cao tại Miền Trung Tây Nguyên Việt Nam" giai đoạn 2022 - 2023.

Dự án được triển khai tại 2 huyện Đại Lộc và Tiên Phước bắt đầu từ tháng 8/2022 đến nay. Qua thời gian triển khai, dự án tổ chức tập huấn cho 37 cán bộ chuyên trách HIV của y tế huyện và xã, 220 nhân viên y tế thôn, cộng tác viên về kỹ năng tư vấn và giáo dục sức khỏe về phòng chống HIV/AIDS.

Đồng thời tập huấn về tự chăm sóc bản thân, dinh dưỡng, tuân thủ phác đồ điều trị, phòng chống lây nhiễm người thân và cộng đồng cho người nhiễm HIV; khám, tư vấn, sàng lọc cho nhóm khó tiếp cận và nguy cơ cao; định lượng virus cho người nhiễm HIV và phát hiện trường hợp dương tính; tăng cường truyền thông, nâng cao kiến thức phòng chống HIV cho người nhiễm HIV.

Đại diện VNHIP cho biết, tư vấn trong tuân thủ điều trị, tâm lý và tự chăm sóc sức khỏe là các yếu tố then chốt trong việc giảm tỉ lệ tử vong sớm và lây nhiễm cộng đồng. Vì vậy, việc triển khai tập huấn, phổ biến, cập nhật kiến thức cho già làng, trưởng bản và cán bộ y tế cơ sở là việc làm cần được triển khai thường xuyên sau khi dự án kết thúc. Việc này đòi hỏi sự hỗ trợ phối hợp của các cấp chính quyền từ thôn, các cơ sở y tế xã, huyện và tỉnh Quảng Nam. Mô hình dự án cần được tiếp tục nhân rộng và triển khai ở các khu vực người dân có nguy cơ cao nhiễm HIV.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam, toàn tỉnh hiện đang có 512 người nhiễm HIV, số người đang điều trị ARV là 478 (Bệnh viện Đa khoa: 465 người, Bệnh viện Phụ sản - Nhi là 13); trong đó Tiên Phước 53, Đại Lộc 41 người.

Thùy Chi

Top