Tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống mua bán người

04/10/2023 12:12

(Chinhphu.vn) - Bên cạnh mục đích nâng cao năng lực phòng, chống mua bán người, lớp tập huấn còn góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa lực lượng BĐBP Việt Nam và lực lượng phòng, chống mua bán người, di cư trái phép của Vương quốc Anh.

Tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống mua bán người - Ảnh 1.

Các đại biểu và cán bộ tại buổi tập huấn

Từ ngày 3 đến 5/10, tại TPHCM, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống mua bán người cho lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP các tỉnh phía Nam.

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP và ông Mark Holton, Trưởng Bộ phận nhập cư, di cư - Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Nội vụ Vương Quốc Anh (thường trú tại Đại sứ quán Anh tại Việt Nam) đồng chủ trì khai mạc lớp tập huấn.

Giảng viên tại lớp tập huấn là Thủ trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP; chỉ huy Phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP; cán bộ Khoa Phòng chống ma túy và tội phạm, Học viện Biên phòng; các chuyên gia đến từ Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Nội vụ Vương quốc Anh. Tham dự lớp tập huấn có 40 đồng chí cán bộ thuộc lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP các tỉnh: Long An, Đồng Tháp và Bình Phước.

Lớp tập huấn tập trung truyền đạt 7 chuyên đề mang tính toàn diện về công tác phòng, chống mua bán người gồm: Những nội dung cần quán triệt trong công tác phòng, chống mua bán người; tổng quan về hoạt động của tội phạm mua bán người trên thế giới, trong khu vực và ở Việt Nam; chức năng, nhiệm vụ của BĐBP trong phòng, chống mua bán người; quy định của pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam về mua bán người và di cư trái phép; kỹ năng điều tra vụ án mua bán người; nô lệ thời hiện đại - những dấu hiệu cần nhận biết; kỹ năng lấy lời khai của nạn nhân, cách tiếp cận dựa trên cơ sở sang chấn tâm lý; kỹ năng nhận dấu hiệu người xuất, nhập cảnh trái phép.

Từ năm 2011, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống mua bán người, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012. Luật này quy định việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống mua bán người.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2012 - 2017), có khoảng hơn 3.000 nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán, trong đó, 90% nạn nhân bị bán sang Trung Quốc. Trong đó chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%), đa số thuộc các dân tộc thiểu số (chiếm trên 80%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn...

Các đối tượng mua bán người lợi dụng khó khăn về kinh tế, thiếu việc làm sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân; lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, thông thoáng trong xuất cảnh của Nhà nước…, hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài bán vào các động mại dâm, cưỡng ép kết hôn hoặc lao động cưỡng bức.

Giai đoạn 2018 - 2022, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, cả nước đã phát hiện 440 vụ với 876 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người với 1.240 nạn nhân. Cơ quan điều tra các cấp thuộc Bộ Công an đã tiến hành thụ lý 560 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến mua bán người; tiến hành khởi tố 389 vụ/808 bị can. Các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành giải cứu và phối hợp giải cứu cho 352 nạn nhân; tiếp nhận, xác minh 545 nạn nhân từ nước ngoài trở về.

Giai đoạn từ năm 2012 - 2020, trung bình khởi tố 162 vụ/1 năm; giai đoạn từ năm 2018 - 2022, trung bình khởi tố 77,2 vụ/1 năm.

Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Y tế: "Không một cơ quan, quốc gia riêng lẻ nào có thể thực hiện công tác phòng, chống mua bán người hiệu quả mà không có sự hợp tác quốc tế".

Việt Nam đã thể hiện sự tích cực trong hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, tổ chức thực hiện tốt các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương về phòng, chống mua bán người giữa Chính phủ Việt Nam với các nước.

Vĩnh Hoàng

Top