Tập trung triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới

12/06/2023 16:15

(Chinhphu.vn) - Thực hiện kế hoạch cao điểm trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới, Bộ đội Biên phòng đã tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh, triệt phá các đường dây ma túy liên tỉnh, liên tuyến, xuyên quốc gia, đường dây vận chuyển ma túy từ khu vực biên giới, cửa khẩu vào nội địa để tiêu thụ.

Tập trung triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới  - Ảnh 1.

BĐBP Sơn La bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 1.213 viên ma túy tổng hợp vào ngày 1/6 - Ảnh: BĐBP Sơn La

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hiện nay, ma túy được vận chuyển chủ yếu từ nước ngoài vào Việt Nam qua các đường tiểu ngạch khu vực biên giới sau đó vận chuyển vào nội địa tiêu thụ hoặc sang nước thứ ba, chủ yếu qua 4 tuyến trọng điểm: tuyến Tây Bắc, Tuyến Đông Bắc, tuyến Bắc Miền Trung - Tây Nguyên, tuyến Tây Nam.

Trên các tuyến, các đối tượng câu kết hình thành đường dây mua bán trái phép chất ma túy số lượng lớn, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn nguy hiểm, tinh vi (trang bị vũ khí nóng sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ), thủ đoạn tinh vi.

Các đối tượng được phân công thực hiện ở mỗi giai đoạn đều độc lập, không được biết trước về nhau và qua nhiều đối tượng trung gian, có sự điều hành chặt chẽ, bắt đầu từ khi hình thành đến các khâu vận chuyển, tàng trữ, phân phối, tiêu thụ. 

Qua trình giao dịch, các đối tượng thường xuyên sử dụng ứng dụng mạng xã hội để liên lạc và lợi dụng các hình thức khác nhau để che giấu vận chuyển trái phép chất ma túy như: Dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe khách liên tỉnh, xe khách tuyến đường dài; dịch vụ bưu điện; thuê người vận chuyển ma túy (xe ô tô cá nhân hoặc xe khách...

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, do các lực lượng chức năng hai nước đấu tranh mạnh; phía Trung Quốc tổ chức xây dựng hệ thống tường rào biên giới nên hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp từ Trung Quốc vào Việt Nam có xu hướng giảm. Tuy nhiên, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài qua tuyến biên giới các tỉnh Tây Bắc, Bắc miền Trung lên các tỉnh biên giới phía Bắc để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ diễn ra phức tạp.

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia do các đối tượng người nước ngoài như: Trung Quốc, Đài Loan  (Trung Quốc), Lào, Thái Lan, Singapore... cầm đầu gia tăng hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy từ Tam giác vàng qua Lào tập kết, sau đó móc nối với các đối tượng người Việt Nam vận chuyển với số lượng lớn qua biên giới vào nội địa hoặc đưa đi nước thứ 3. 

Đáng chú ý, đã xuất hiện tình trạng tội phạm người Trung Quốc, người Đài Loan (Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam thành lập các công ty "bình phong" để tổ chức sản xuất trái phép ma túy.

Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, thời gian gần đây, các đối tượng đẩy mạnh hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Thái Lan về Campuchia, sau đó tìm cách vận chuyển với số lượng lớn qua biên giới các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ vào TPHCM và các tỉnh nội địa, hoặc vận chuyển đi nước thứ 3 tiêu thụ.

Các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia, người gốc Phi... móc nối với đối tượng người Việt Nam thường xuyên qua Campuchia làm ăn, đánh bạc để vận chuyển ma túy trái phép về Việt Nam (khu vực TPHCM) tập kết để đưa đi các tỉnh phía Bắc và sang Đài Loan (Trung Quốc), Philipinnes, Hàn Quốc... tiêu thụ.

Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm về việc triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2023, Bộ Quốc phòng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy.

Các đơn vị Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, hải quan, quản lý thị trường và chính quyền địa phương chủ động phòng ngừa, quyết liệt đấu tranh trấn áp tội phạm trên tuyến biên giới, trên biển; tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế để đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá các đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Các cơ quan tư pháp trong Quân đội đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án ma túy; tổ chức các phiên tòa điểm, xét xử lưu động để tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm ma túy.

Theo lãnh đạo Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng), trong "Tháng hành động phòng, chống ma túy" năm nay, Cục đã đôn đốc các đơn vị thực hiện Kế hoạch số 2291/KH-BĐBP ngày 19/5/2023 về đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy, hưởng ứng "Tháng hành động phòng, chống ma túy"; chỉ đạo các tổ công tác của Cục tập trung thực hiện kế hoạch nghiệp vụ, kế hoạch chuyên đề phòng chống ma túy và tội phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp.

Đồng thời, tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh, triệt phá các đường dây ma túy liên tỉnh, liên tuyến, xuyên quốc gia, đường dây vận chuyển ma túy từ khu vực biên giới, cửa khẩu vào nội địa để tiêu thụ; chú trọng triển khai có hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình, không để bị động bất ngờ.

Trong tuần đầu ra quân triển khai thực hiện "Tháng hành động phòng, chống ma túy" (từ ngày 31/5 đến 6/6/2023), BĐBP đã bắt giữ, xử lý 53 vụ, 78 đối tượng mua bán tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ 9kg ma túy các loại. Trong đó, BĐBP chủ trì bắt giữ, xử lý 36 vụ, 43 đối tượng; phối hợp với các lực lượng khác bắt giữ, xử lý 17 vụ, 35 đối tượng.

Hoàng Giang

Top