Tuyên truyền hiệu quả để mỗi người dân tự miễn nhiễm với ma túy

30/06/2023 15:11

(Chinhphu.vn) - Công tác tuyên truyền phòng chống ma túy vẫn là giải pháp căn cơ và quan trọng nhất để mỗi người dân tự miễn nhiễm với ma túy, được trang bị chất kháng sinh chống lại tệ nạn ma túy.

Tuyên truyền hiệu quả để mỗi người dân tự miễn nhiễm với ma túy - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/HG

Ngày 30/6, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) tổ chức Hội nghị khoa học"Sơ kết 5 năm thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống ma túy của Học viện CSND".

Trước đó, ngày 01/12/2017, Giám đốc Học viện CSND đã ban hành Kế hoạch tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trên cơ sở đó, Học viện CSND đã tổ chức triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống ma túy từ năm 2018 đến nay.

Cần mở rộng đối tượng tuyên truyền, quan tâm tới công nhân, người lao động 

Đại tá, PGS.TS Ngô Gia Bắc, Trưởng Khoa Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy cho biết, trong 5 năm từ năm 2018 đến nay, Học viện CSND đã tổ chức trên 525 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống ma túy với gần 340.000 người thuộc nhiều thành phần, tại nhiều địa phương tham gia.

Nội dung tuyên truyền tập trung chủ yếu gồm: Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống ma túy; tuyên truyền về đặc điểm, dạng tồn tại, hậu quả tác hại và cách nhận biết các chất ma túy cũng như các phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm, tập trung vào các thủ đoạn rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; các kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, tố giác các hoạt động phạm tội liên quan đến ma túy...

Hình thức tuyên truyền được Học viện CSND tổ chức đa dạng bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tuyên truyền trực tiếp; tuyên truyền trực tuyến kết hợp với các tiểu phẩm, sách, tờ rơi, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật phòng, chống ma túy...

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều đợt giãn cách xã hội, học sinh, sinh viên phải học online, Học viện CSND đã chủ động thực hiện, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng hình thức trực tuyến trên 50 buổi với hơn 2.000 người tham gia.

Ngoài ra, Học viện CSND còn tổ chức tuyên truyền pháp luật phòng, chống ma túy thông qua việc tổ chức các hội thi tìm hiểu luật Phòng, chống ma túy năm 2021 cho cán bộ, học viên trong toàn Học viện.

Trong quá trình tuyên truyền phòng chống ma túy, Học viện CSND còn kết hợp tổ chức các hoạt động thiện nguyên, tặng quà các em học sinh, sinh viên, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn cả nước.

Các buổi tuyên truyền được Ban Giám hiệu các trường và lãnh đạo địa phương… ghi nhận, đánh giá cao, từ đó góp phần cùng với chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động phòng, chống ma túy với phương châm phòng ngừa "từ sớm, từ xa, từ nơi có nguồn ma túy", thể hiện vai trò, trách nhiệm của Học viện CSND trong công tác phòng, chống ma túy.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá về kết quả đạt được, phân tích thực trạng, công tác phối hợp, đúc kết kinh nghiệm trong thực tiễn và đề xuất các giải pháp, kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng chống ma túy trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện nay ngày càng nhiều loại ma túy mới tấn công giới trẻ. Tội phạm ma túy xảo quyệt, manh động, không từ thủ đoạn nào để dụ dỗ lôi kéo học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật. Đây là thực trạng đáng lo ngại, cần có những giải pháp sớm, căn cơ, bảo đảm thực chế, hiệu quả để đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi xã hội nói chung và môi trường học đường nói riêng.

Trong thời gian qua, nhiều nhà trường đã phối hợp với ngành Công an, LĐTB&XH, Đoàn Thanh niên và chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động đa dạng, phong phú cho học sinh, sinh viên về phòng chống ma túy nói chung và dự phòng nghiện nói riêng như: Hỗ trợ duy trì, nhân rộng CLB phòng chống ma túy; tổ chức giao lưu tìm hiểu phòng chống ma túy...

Nhiều nhà trường đã lồng ghép các nội dung giáo dục pháp luật, giáo dục phòng chống tệ nạn xã hội, ma túy vào nội dung, chương trình giảng dạy phù hợp với các môn học và nhiều hoạt động đa dạng, phong phú khác.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng ban hành Dự án "Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2023", vì vậy, Bộ đề nghị có cơ chế, chính sách hỗ trợ về nguồn lực từ Trung ương đến địa phương để bảo đảm triển khai thiết thực, hiệu quả. Các bộ, ban, ngành tăng cường phối hợp với ngành Giáo dục trong công tác chỉ đạo nhằm bảo đảm thực hiện đồng bộ những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chiến lược phát triển của mỗi bộ ngành liên quan.

Tuyên truyền hiệu quả để mỗi người dân tự miễn nhiễm với ma túy - Ảnh 2.

TS.Nguyễn Cửu Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ), Ủy viên thư ký Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HG

Đề xuất các giải pháp, TS.Nguyễn Cửu Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ), Ủy viên thư ký Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm cho rằng, trong thời gian tới, cần mở rộng đối tượng tuyên truyền, ngoài học sinh, sinh viên là công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp.

Công tác tuyên truyền cũng cần quan tâm đến tính 2 mặt, tức là nếu cách thức đưa thông tin về các loại ma túy không phù hợp lại vô tình "vẽ đường cho hươu chạy", kích thích sự tò mò của giới trẻ. Vì vậy, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về công tác tuyên truyền để đưa vào trong bối cảnh của Việt Nam cho phù hợp.

TS. Nguyễn Cửu Đức cho biết, tại Mỹ, Chương trình Giáo dục chống lạm dụng ma túy (DARE) được triển khai từ năm 1983 và đã đưa vào hơn 75% trường học. Các chương trình tương tự cũng được triển khai ở trên 13 quốc gia trên thế giới và chứng minh hiệu quả trong việc giảm nguy cơ sử dụng ma túy cho trẻ em và thanh thiếu niên. DARE có các bộ giáo trình theo từng cấp giúp học sinh nhận biết được những nguy hiểm và tác hại của ma túy, cung cấp cho học sinh các kỹ năng và chiến lược để đối phó với áp lực từ những người xung quanh nhằm tránh những tình huống khó xử liên quan đến sử dụng ma túy

Hơn nữa, Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) cũng có bộ giáo trình chuẩn quốc tế về phòng ngừa ma túy dành cho các đối tượng khác nhau: Học sinh, sinh viên (tại nhà trường); người lao động (tại nơi làm việc); dành cho gia đình; các cơ quan báo chí, truyền thông.

Ngoài ra, hiện nay, toàn quốc có 3 cơ sở với sự hỗ trợ của quốc tế là Trung tâm chuyển giao công nghệ về điều trị nghiện chất và HIV đặt tại Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược TPHCM, Đại học Lao động xã hội với nhiều chuyên gia được đào tạo bài bản trong lĩnh vực này. 

TS. Nguyễn Cửu Đức mong muốn Khoa Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy tăng cường liên kết với các cơ sở trên, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong trao đổi kinh nghiệm về công tác tuyên truyền để trở thành một trung tâm đào tạo, cung cấp những kiến thức bồi dưỡng cho cán bộ trong lĩnh vực phòng chống ma túy.

Tuyên truyền hiệu quả để mỗi người dân tự miễn nhiễm với ma túy - Ảnh 3.

Trao thưởng cho tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong tuyên truyền phòng chống ma túy - Ảnh: VGP/HG

Không chỉ cung cấp kiến thức, mà cần chú trọng trang bị kỹ năng 

Đại tá, PGS.TS Trần Hồng Quang, Phó Giám đốc Học viện CSND cho biết, công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy được xác định là giải pháp căn cơ và quan trọng nhất để mỗi người dân tự miễn nhiễm với ma túy, được trang bị chất kháng sinh để chống lại tệ nạn ma túy.

Với quan điểm mỗi người dân cần là một chiến sỹ trên mặt trận phòng chống ma túy, như vậy mỗi công dân phải có kiến thức về mặt pháp luật, về tác hại của ma túy, nhận diện để tránh xa, bắt đầu từ các em học sinh, sinh viên đến tất cả người dân trong xã hội.

Theo Đại tá Trần Hồng Quang, những chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban bộ ngành về công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng chống ma túy là rất đúng và trúng. Trong thời gian qua, Học viện CSND đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, có sự chủ động của Khoa Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy trong công tác tham mưu để triển khai các văn bản, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ GD&ĐT, các ban bộ ngành liên quan, qua đó, đã góp phần công sức vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy cũng như tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ma túy.

Tuyên truyền hiệu quả để mỗi người dân tự miễn nhiễm với ma túy - Ảnh 4.

Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng chống ma túy - Ảnh: VGP/HG

"Tuyên truyền kiến thức là quan trọng nhưng trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường, chú trọng hơn nữa đến kỹ năng trong những tình huống cụ thể để học sinh, sinh viên có thể tránh xa sự rủ rê, lôi kéo từ bạn bè, xã hội, đối phó với áp lực, căng thẳng trong cuộc sống, giúp tránh xa khỏi ma túy…", Đại tá Trần Hồng Quang nói.

Đồng thời cũng gợi mở thêm một số giải pháp như nghiên cứu thành lập Ban chỉ đạo phòng chống ma túy ở các nhà trường, tăng cường công tác truyền thông, ban hành các bộ tài liệu tuyên truyền, xây dựng hệ thống công tác viên tuyên truyền ở các trường, đổi mới hình thức tuyên truyền bằng cách ứng dụng công nghệ, xây dựng apps tuyên truyền phòng chống ma túy…

Hoàng Giang

Top